Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Chúng ta mang kỹ năng điều khiển xe máy lên ôtô?


Chúng ta mang kỹ năng điều khiển xe máy lên ôtô?


Để có được kỹ năng lái xe an toàn, trước hết người mới lái cần thực hiện thao tác đúng kỹ thuật, rồi sau đó hãy rèn luyện để trở thành phản xạ tự nhiên như một bản năng có sẵn.

Mới học lái xe ô tô, chúng ta được học và rèn luyện một số thao tác cơ bản: khởi động tại chỗ hay trên dốc, lùi xe vào gara… Lúc chưa thành thạo, non tay dễ làm chết máy, hoặc xe chồm lên, chuyện tụt dốc lúc khởi động cũng chẳng có gì lạ. Nhưng khi đã nhuần nhuyễn, người lái cảm nhận chính xác lực cản đường, cũng như sức mạnh động cơ.

Chuyện đạp nhầm phanh thành ga, xe vọt lên đâm thẳng vào nhà dân hay nhào xuống sông sẽ chẳng thể xảy ra. Vậy làm sao có kỹ năng lái xe ô tô tốt? Đầu tiên phải thao tác đúng kỹ thuật, rồi sau đó rèn luyện thành phản xạ tự nhiên như một bản năng có sẵn.

Tài mới cần hiểu sự khác biệt về cấu tạo cũng như nguyên lý vận hành của các loại xe khác nhau, đặc biệt là loại xe mà mình gắn bó. Ví như vấn đề giữa xe số sàn và tự động.
Chúng ta mang kỹ năng điều khiển xe máy lên ô tô
Ảnh minh họa

Thực trạng giao thông hiện nay, xe máy tràn ngập từng con đường, tuyến phố. Là phương tiện di chuyển hàng ngày, nên mỗi người đều có những kỹ năng nhất định trong việc điều khiển loại xe hai bánh. Có quan điểm rằng, thói quen sử dụng xe gắn máy gây ra một số nhầm lẫn khi thao tác trên ôtô cũng là điều có lý.

Đơn cử nguyên tắc của xe ôtô trang bị số tự động là chỉ dùng một chân nếu không sẽ rất nguy hiểm, bởi nếu chạy tốc độ cao, mà ta vừa thắng vừa ga dễ làm xe lật nhào. Liệu nguyên tắc đó có áp dụng được cho xe máy số tự động không khi mà người ta thiết kế nó không như chiếc ôtô.

Điều này rõ ràng là mâu thuẫn và người ta sẽ kết luận là xe máy số tự động bị lỗi thiết kế hoặc ôtô số tự động có lỗi thiết kế, còn không người ta sẽ cho rằng xe ôtô số tự động nguy hiểm hoặc xe máy tay ga nguy hiểm (bởi 2 loại phương tiện này cùng nguyên lý nhưng lại có 2 thao tác phanh không thể giống nhau).

Vấn đề sẽ được giải quyết nếu các thao tác trên từng loại xe được luyện thành kỹ năng, bạn có thể chỉ dùng một chân chuyển qua lại giữa phanh và ga mà không sợ nhầm lẫn. Với xe máy, cần rèn luyện nhuần nhuyễn thao tác “tay nhả ga, chân đạp phanh” đối với xe số, hoặc “nhả ga, bóp thắng” đối với xe tay ga. Thậm chí nếu có chiếc ôtô nào thiết kế phanh một chân, ga một chân, bạn vẫn sử dụng an toàn khi tạo được kỹ năng đạp phanh “nhả ga, đạp phanh” và ngược lại như nguyên tắc “vào côn, ra ga” của xe ôtô dùng số sàn.

Chỉ riêng kỹ năng phanh không thành thạo thì tai nạn chẳng bao giờ hết. Việc tranh luận ôtô trang bị số tự động dễ đạp nhầm thắng thành ga, xe gắn máy vừa đạp thắng vừa nhấn ga sẽ mãi mãi không dứt, và ý kiến cho rằng nó là những chiếc xe thiếu an toàn vẫn còn.

Rõ ràng việc xây dựng kỹ năng lái xe là rất quan trọng, nó quyến định đến tỷ lệ tai nạn đặc biệt trong điệu kiện giao thông phức tạp hiện nay của Việt Nam, đủ chủng loại phương tiện với cấu tạo, nguyên lý hoạt động khác nhau. Thêm vào đó là không thiếu kiểu chạy băng ngang băng dọc của người tham gia giao thông. Cũng xin nói thêm rằng, nếu ai cũng có kỹ năng lái thuần thục thì tình trạng băng ngang băng dọc sẽ tự nhiên mất đi, bởi việc lái xe đúng làn đường đã được rèn thành bản năng.

Điều cuối cùng tôi muốn nói trong chủ đề này là các bạn không thể tạo ra kỹ năng lái xe nếu chỉ học mấy ngày, ngày mấy giờ, hôm nay lái xe này ngày mai lái xe khác. Nếu không chủ động học hỏi và rèn luyện nghiêm túc thì mong muốn có được kỹ năng lái xe quả là chuyện xa vời. Đã có lần tôi xem trên VTV1, một thầy giáo dạy lái xe nói rằng chỉ cần làm quen vài giờ là lái được xe số tự động sau khi học lái xe số sàn, đây thực sự là sai lầm nghiêm trọng mọi người cần chú ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét